Ấn Độ Bảo tồn loài hổ

Một con hổ Ấn Độ tại một khu bảo tồn

Ấn Độ là môi trường sinh sống của gần 50% số lượng hổ còn lại trên thế giới. Con số này đã giảm đáng kể từ khoảng 100.000 con vào cuối thế kỷ 19, xuống còn chưa tới 3.500 con hiện nay[25]. Loài hổ ở Ấn Độ đang bị đe dọa bởi tình trạng săn bắt trộm cùng với môi trường sống bị thu hẹp[26]. Vào tháng 4 năm 2016, lần đầu tiên trong hơn 100 năm, có thông tin cho rằng số lượng hổ được nhìn thấy sự gia tăng. Số liệu thống kê toàn cầu mới nhất tiết lộ quần thể hổ đếm được 3.890 cá thể so với chỉ 3.200 năm 2010.

Tình hình

Hổ tại Ấn Độ

Chính phủ Ấn Độ loan báo con số các con hổ tại nước này đã tăng lên trong 5 năm qua, thống kê mới nhất tại Ấn về loài động vật họ mèo đang bị nguy cơ tuyệt chủng này cho thấy có hơn 1.700 con hổ, tức tăng khoảng 300 con so với lần thống kê hồi năm 2006. Tỷ lệ tăng 21% này bao gồm cả một số con trong những vùng mà giới hữu trách nói rằng không được kể tới trong lần thống kê trước đó. Thống kê hồi năm 2002 cho thấy lúc bấy giờ có khoảng 3.600 con hổ tại Ấn Ðộ [26]. Tháng 12 năm 2015, tổ chức Survival International công bố dữ liệu về những con hổ đang sống yên bình và an toàn trong Khu Bảo tồn Hoang dã BRT ở Western Ghats của Ấn Độ. Từ năm 2010 đến 2014, quần thể hổ nơi đây tăng gần gấp đôi và tỷ lệ tăng được đánh giá là cao hơn mức trung bình so với những địa phương khác trên khắp Ấn Độ[27]..

Yếu tố quan trọng là tại một số nơi trên thế giới có những cộng đồng thổ dân luôn tìm cách sống chung hòa bình với hổ. Đó là vùng Western Ghats dãy núi chạy dọc theo bờ biển phía tây Ấn Độ thuộc bang Karnataka. Đất nước Ấn Độ là quê hương của khoảng một nửa quần thể hổ trên thế giới, và tại một địa phương nước này, một số thổ dân chung sống yên bình qua nhiều thế hệ với loài thú săn mồi hoang dã nguy hiểm này. Thực tế vẫn có những cộng đồng "hổ-người" tồn tại, những cộng đồng thổ dân địa phương này còn giúp bảo vệ đồng thời duy trì quần thể hổ ở Ấn Độ. Thổ dân chính là những nhà bảo tồn và bảo vệ hiệu quả nhất thế giới tự nhiên.

Những con hổ đến sống trong khu rừng cạnh bộ tộc thổ dân Soliga. Người Soliga xem loài thú này như vị thần đáng tôn thờ của họ. Họ sùng bái hổ như thần thánh. Ở địa phương này, không hề xảy ra vụ xung đột nào giữa người Soliga với hổ hay bất cứ vụ săn bắt nào. Họ là những người chăm sóc và bảo vệ hổ. Nếu họ bị xua khỏi vùng đất này thì hổ cũng sẽ như vậy. Sự cộng sinh giữa hổ và người ở Ấn Độ phổ biến hơn, một nghiên cứu điều tra về những người sống gần Khu Bảo tồn Hoang dã Bor ở bang Maharashtra miền tây Ấn Độ được công bố vào tháng 5 năm 2016 cho thấy dân địa phương rất ưu ái loài hổ. Chế độ ăn của dân địa phương là yếu tố cốt lõi giải thích điều đó, tức tuyệt đại đa số đều là người ăn chay thế nên họ không săn thú làm thức ăn. Như thế cũng có nghĩa là hổ không thiếu mồi để sinh tồn ở Bor. Vì phần đông dân làng trồng cây lương thực cho nên rất cần hổ bảo vệ ngăn ngừa những con thú khác xâm hại.

Không giống như thổ dân Soliga, những người sống ở Khu Bảo tồn Hoang dã Bor lại thường gặp rắc rối với hổ như đã có vài người, và một số thú nuôi, đã bị hổ vồ chết. Tuy nhiên, những vụ việc như thế vẫn không khiến cho người dân có thái độ thù địch loài hổ vì những người địa phương theo đạo Hindu do đó tin rằng hổ là con vật chở Durga là một trong những nữ thần quan trọng nhất trong đạo Hindu. Nhưng bất chấp sự sống chung hòa bình giữa thổ dân và hổ, các bộ tộc này vẫn bị chính quyền Ấn Độ đuổi khỏi những khu vực của họ với lý do là bảo tồn loài hổ hoang dã, việc cho phép các cộng đồng bộ tộc tiếp tục quản lý những vùng đất tổ tiên của họ để lại sẽ đóng góp một phần trong nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã[27].

Biện pháp

Tối cao Pháp viện Ấn Độ từng ra phán quyết cấm du lịch tại những khu bảo tồn hổ ở nước này trong một nỗ lực nhằm bảo vệ loài hổ có nguy cơ tuyệt chủng. Tòa án này loan báo các biện pháp trừng phạt 6 tiểu bang gồm có: Andhra Pradesh, Arunachal Pradesh, Tamil Nadu, Bihar, Maharashtra và Jharkhand, vì đã không tuân thủ lệnh đã ban hành trước đây, yêu cầu thành lập một vùng trái độn chung quanh môi trường sinh sống của hổ. Tối cao Pháp viện Ấn độ ra phán quyết dựa trên kiến nghị của ông Ajay Dubey, một người Ấn Độ hoạt động bảo vệ môi sinh, tố cáo các tiểu bang đã cho phép các dự án khai thác thương mại kể cả xây cất khách sạn gần khu trung tâm của khu bảo tồn hổ[25].

Một con hổ tại Khu bảo tồn thiên nhiên ở Ấn Độ

Sau khi nhà chức trách Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm tạm thời không cho tham quan đến những khu bảo tồn hổ; hàng chục ngàn du khách đang đổ xô đến các khu bảo tồn động vật hoang dã để có dịp nhìn tận mắt giống thú hiếm qu‎ý này. Tất cả 63 căn phòng ở Riverview Retreat, một khu nghỉ mát tại Vườn quốc gia Corbett đều đã được đặt trước, và nhiều chiếc xe jeep đều trong tình trạng sẵn sàng để chở du khách đi thăm dã ngoại những con hổ. Khu công viên này là khu bảo tồn động vật hoang dã lâu đời nhất của Ấn Độ, nằm tại chân dãy núi Himalaya thuộc bang Uttarakhand.

Công viêc kinh doanh của khu nghỉ dưỡng đã gặp khó khăn trong 84 ngày qua, khi tòa án tối cao cấm kinh doanh du lịch tham quan hổ. Nhưng bây giờ đến mùa du lịch này, công việc kinh doanh đã phục hồi đầy đủ. Lệnh cấm được đưa ra để đáp lại một khiếu nại cho rằng du khách đã phá hoại các nỗ lực bảo loài tồn hổ. Theo số liệu mới nhất, số lượng hổ đã giảm còn khoảng 1.700 con. Lệnh cấm này đã được dỡ bỏ sau khi các nhà bảo tồn cho rằng thật tế thì ngược lại với khiếu nại vừa nêu, đe dọa thực sự đối với loài hổ là các tay săn trộm, chứ không phải khách du lịch, du khách tạo ra công ăn việc làm rất cần thiết cho cộng đồng địa phương, và du khách đã góp phần quan trọng cho sự tồn tại của các cộng đồng địa phương.

Tại Vườn quốc gia Corbett, điều này được chứng thực bởi người dân, Vườn quốc gia Corbett đã có gần 100 khu nghỉ dưỡng để phục vụ một lượng khách du lịch ổn định. Các khu nghỉ dưỡng này duy trì hàng ngàn công ăn việc làm, từ nhân viên khách sạn cho đến hướng dẫn viên du lịch, thợ thủ công, lái xe và nhân viên bán hàng. Có một sự thay đổi lớn trong cách người dân làng nhận thức về các nỗ lực của quốc gia nhằm bảo tồn loài hổ.Khoảng 25 năm trước đây, khi những gia đình ngày càng có thêm miệng ăn, họ phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp, cho nên đã tìm cách lấn vào rừng, và làm tổn hại đến môi trường sống của loài hổ. Điều này đã khiến xảy ra xung đột giữa con người với loài hổ và các động vật ăn thịt khác.Vì vậy, khi các nhóm săn trộm nhắm vào loài hổ để cung cấp cho thị trường thuốc ở châu Á sử dụng các bộ phận cơ thể của loài hổ, thì người dân địa phương vẫn thản nhiên.

Du lịch chụp ảnh hổ đang đem lại nguồn thu cho Ấn Độ

Khi nền kinh tế của các ngôi làng xung quanh công viên phát triển nhanh chóng. Sự thịnh vượng tăng lên đã khiến dân địa phương hợp tác trong cuộc chiến bảo tồn các loài động vât. Trước đó họ thấy việc bảo tồn này không có lợi gì cho họ. Hoa màu của họ đã bị trộm cắp. Gia súc gia cầm của họ thì bị giết chết. Bây giờ thì họ nhìn thấy được lợi ích. Bây giờ, mức sống của người dân, đặc biệt người dân trong khu vực, đã thực sự đi lên. Không giống như một số khu bảo tồn loài hổ khác, đang có số lượng hổ suy giảm mạnh, khu bảo tồn Corbett là một trong những câu chuyện thành công của Ấn Độ, với quần thể hổ ngày càng tăng. Dù có tăng nhưng không vì thế mà dễ phát hiện những con hổ hay lẩn sâu trong rừng.

Cũng có những ‎ý kiến trái chiều ở Ấn Độ cho rằng ngành du lịch cần phải được quy định nghiêm ngặt hơn để tránh những tác động không đáng có vào thiên nhiên nguyên sơ. Tòa án tối cao Ấn Độ đã yêu cầu chính quyền tiểu bang chỉ cho kinh doanh du lịch ở mức 20% tại khu bảo tồn hổ quan trọng, có hổ di chuyển, sinh sản và săn mồi. Các mối quan tâm này đã xuất hiện bởi thu nhập cá nhân của người dân Ấn Độ gia tăng, nhiều người muốn đi du lịch và đổ về các khu bảo tồn với số lượng lớn. Những điều phối viên động vật hoang dã cho rằng ngành du lịch có thể làm hạn chế các loài động vật khi chúng bị quấy rầy.

Với sự bùng nổ trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái ở Ấn Độ, vấn đề giao thông đã phát triển và gây cản trở việc di chuyển một cách tự nhiên của các loài động vật, các khu nghỉ mát tư nhân tại các công viên bảo tồn loài hổ giống như khu công viên Corbett ngày càng nhiều, cần phải chú ‎ tâm đến những gì mà chính quyền gọi là du lịch cao nhưng tác động thấp, các khu nghỉ dưỡng tại Corbett không chỉ đón tiếp du khách muốn tìm đến tham quan loài hổ, mà còn tổ chức hội nghị doanh nghiệp và các đám cưới ồn ào, gây thất vọng cho nhiều người đam mê động vật hoang dã[28].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bảo tồn loài hổ http://m.baonga.com/xa-hoi-nga.nd129/lap-khu-bao-t... http://www.bbc.com/vietnamese/world-38037195 http://www.bbc.com/vietnamese/world-40172102 http://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/Scienc... http://www.vast.ac.vn/tin-tuc-su-kien/tin-khoa-hoc... http://m.anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/loai-ho-o... http://antt.vn/vu-chau-be-bi-ho-vo-nghi-van-nup-bo... http://baodatviet.vn/khoa-hoc/su-kien/vo-doi-tuong... http://baophapluat.vn/du-lich/vi-bao-ve-ho-hang-tr... http://m.baophapluat.vn/quoc-te/mang-luoi-buon-ho-...